Banner top
Menu portal
Giới thiệu
Hiển thị thể loại
Banner tin tức - sự kiện
Kế hoạch
Thi đua - Khen thưởng
Tổ chức đoàn thể
Chuyên môn
Công khai thông tin
Banner - Thông tin pháp luật
Banner - Thủ tục hành chính
Hiển thị nội dung bài viết

Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh theo chủ đề trong tiết sinh hoạt lớp

28/03/2023
03:52:00
271

1. Tên biện pháp: Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh theo chủ đề trong tiết sinh hoạt lớp

2. Nội dung biện pháp

2.1. Lí do chọn biện pháp

Người ta thường nói:“Gieo hành vi,gặt được thói quen”. Các em học sinh THCSvới lứa tuổi có những hành vi cá nhân, tính cách và nhân cách đang dần được hình thành. Khi gieo lên đó những mầm nhân cách nào thì nó sẽ hình thành thói quen đó cho học sinh sau này.

Từ năm học 2020-2021,tôi được nhà trường phân công chủ nhiệm lớp 72đến nay. Đây là một lớp có 31 học sinh, gồm có 21 nam, 10 nữ. Sau một năm chủ nhiệm, qua tìm hiểu thực tế hoàn cảnh các gia đình và trực tiếp giảng dạy tôi nhận thấy rằng các em thiếu về kỹ năng sống. Do nhiều yếu tố tạo thành, các em rất nhút nhát, không mạnh dạn tham gia các hoạt động tập thể. Dẫn đến kỹ năng giao tiếp cực kì hạn chế, kỹ năng giải quyết mâu thuẫn lại càng hạn chế hơn. Nên đa số các em chưa thể tự giải quyết mọi tình huống xảy ra trong cuộc sống của mình một cách hợp lý.

Giáo dục kỹ năng sống nhằm cung cấp cho các em những tri thức sơ đẳng về các chuẩn mực hành vi xã hội gắn với những kinh nghiệm đạo đức. Để từ đó giúp học sinh hình thành nhữngkỹ năng sống, biết phân biệt đúng sai, làm theo cái đúng, ủng hộ cái đúng, đấu tranh với những biểu hiện sai trái, xấu xa, nhắc nhở các em hành động theo chuẩn mực đạo đức và thói quen đạo đức tốt.Việc rèn luyện kỹ năng sống ở bậc trung học cơ sở là một nhiệm vụ quan trọng mà người làm công tác giáo dục cần quan tâm.

                    Chính vì vậy, với vai trò là một giáo viên chủ nhiệm lớp, mang trọng trách vừa là người dạy chữ, vừa là người dạy nết, để giúp mỗi một học sinh đều trở thành con ngoan, trò giỏi. Tôi luôn tìm những biện pháp nhằm giáo dục kỹ năng sống cho các em. Sau mười năm công tác tại đơn vị, trong số nhiều biện pháp đã áp dụng, thì việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh thông qua các chủ đề đãthực sự mang lại hiệu quả.Từ những thực trạng và mong muốn trên, cùng với những trải nghiệm, kết quả đạt được trong công tác chủ nhiệm, tôi mạnh dạn thực hiện đề tài:“Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh theo chủ đề trong tiết sinh hoạt lớp”.

2.2. Mục đích của biện pháp

Biện pháp“Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh theo chủ đề trong tiết sinh hoạt lớp” với mục đích là giáo dục những kỹ năng sống cho các em như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng ứng xử... một cách linh hoạt và có hiệu quả cao.Đồng thời góp phần giúp các em làm chủ được bản thân, sống tự tin, năng động.Biết cách ứng phó trước những tình huống khó khăn, mâu thuẫn trong cuộc sống một cách dễ dàng.Điều đó giúp các em sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình, cộng đồng,sống đoàn kết, có tình cảm, mạnh dạn đưa ra ý kiến của mình.Các em tích cực tham gia các hoạt động tập thể, có ý thức tự giác cao trong học tập, ngoan. Từ đó làm cho chất lượng giáo dục toàn diện học sinh ở trường được nâng lên.

2.3. Cách thức tiến hành

2.3.1.Đổi mới nội dung sinh hoạt

2.3.1.1.Nội dung tổng kết, đánh giá trong tuần

Thông thường, tiết sinh hoạt tập trung vào việc tổng kết, đánh giá, nhận xét về hoạt động tuần qua và triển khai hoạt động tuần tới. Tuy nhiên, nội dung này thường rất khô khan, hành chính. Tôi đã đổi mới nội dung tổng kết bằng cách tuyên dương học sinh có nhiều điểm tốt, tích cực chọn nội dung tiêu biểu, điển hình để triển khai đánh giá, tổng kết. Nội dung này chỉ nên kéo dài từ 7-10 phút đầu giờ. Đồng thời nhắcnhở, động viên các học sinh vi phạm nội quy trong tuần cần cố gắng khắc phục. Đánh giá, rút kinh nghiệm và triển khai kế hoạch tuần tới.

2.3.1.2. Giáo dục kỹ năng sống theo chủ đề trong tiết sinh hoạt

Giáo viên cần quan sát nhu cầu của học sinh để lập chủ đề sinh hoạt phù hợp với đặc điểm tâm lí lứa tuổi học sinh, phù hợp với kế hoạch năm học của nhà trường. Ngoài ra, bản thân là giáo viên dạy GDCD, tôi biết rõ các kỹ năng sống đã được giảng dạy, tích hợp trong bộ môn của mình. Vì vậy, tôi mạnh dạn đưa ra các chủ đề mới, thiết thực trong sinh hoạt lớp. Một tháng chỉ nên tổ chức một chủ đề, tránh sự nhàm chán ở học sinh. Giáo viên linh hoạt chủ đề, thời gian thực hiện để phù hợp đặc điểm lớp sinh hoạt.

Chủ đề sinh hoạt lớp được xây dựng từng tháng như sau:

 

Thứ tự

 

Chủ đề

Thời gian

thực hiện

1

Chào tuổi mới

Tháng 9

2

Nhận diện tình bạn đích thực

Tháng 10

3

Ứng xử văn hóa trên mạng xã hội

Tháng 11

4

Bảo tồn và phát huy các giá trị của di tích lịch sử văn hóa tại địa phương

Tháng 12

5

Biết ơn cho chúng ta nhiều hơn

Tháng 1,2

6

Ứng phó bắt nạt trực tuyến

Tháng 3

7

Tạm biệt cảm xúc khó chịu

Tháng 4

8

Chấp nhận sự khác biệt, tự tin tỏa sáng

Tháng 5

Ngay từ đầu năm học giáo viên lên kế hoạch lựa chọn chủ đề, sau đó thông báo chủ đề sẽ thực hiện để học sinh chuẩn bị. Mỗi tháng giáo viên định hướng cho học sinh việc chuẩn bị nội dung, cách thức thực hiện chủ đề nhằm phát huy sự sáng tạo của học sinh.

Các tổ đảm nhận thực hiện chủ đề trong tháng lên kế hoạch thực hiện. Học sinh đóng vai trò là chủ thể của hoạt động sinh hoạt lớp, chủ động tiếp nhận và thực hiện các hoạt động. Giáo viên là người giám sát, định hướng, tư vấn cho học sinh đánh giá, nhận xét kết quả thực hiện.

Trong quá trình thực hiện chủ đề sẽ hình thành cho học sinh kỹ năng giao tiếp, hợp tác, kỹ năng giải quyết vấn đề…đồng thời giúp gắn kết học sinh trong lớp. Thông qua hoạt động này, các em tự phát hiện năng lực của bản thân, rèn luyện thói quen tự học, phát huy tiềm năng, kiến thức, kĩ năng để phát triển một cách toàn diện.

2.3.1.3. Trải nghiệm cảm xúctheo lứa tuổi

Lứa tuổi học sinh THCS là lứa tuổi dễ bốc đồng và khó tự chủ. Tâm lý của các em rất nhạy cảm, dễ kích động, không kiềm chế được cảm xúc,các em còn ít kinh nghiệm sống, vì thế giáo viên cần tạo cho học sinh có những giây phút sống chậm, ngẫm và chạm vào tâm hồn mình, nhìn nhận mọi điều liên quan đến cuộc sống của mình để các em hiểu rõ bản thân, hiểu rõ về những người xung quanh. Giáo viên sẽ tạo những tình huống có vấn đề và cho các em thời gian đề các em được chia sẻ, tâm sự.

Giáo viên có thể sưu tầm những câu chuyện hay mang tính giáo dục, tư liệu lịch sử, các bộ phim mang tính giáo dục, những video truyền động lực… từ đó giáo viên tổ chức cho học sinh thảo luận về chi tiết em thích nhất, bài học rút ra sau khi xem câu chuyện.

Giáo viên cũng có thể cho các em viết những dòng tâm sự về cuộc sống, về những người xung quanh (bố mẹ, thầy cô, bạn bè), về ước mơ của các em.

Với hoạt động này học sinh được hình thành và phát triển phẩm chất trung thực. Hình thành ý thức trách nhiệm, lòng nhân ái, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội, hình thành nên phẩm chất chăm chỉ, học sinh tự nhận ra những điều bản thân phải nỗ lực hoàn thiện về học tập, kinh nghiệm sống.

Bên cạnh đó, học sinh được hình thành và phát triển năng lực giao tiếp và hợp tác như kỹ năng trao đổi, hợp tác khi chia sẻ. Phát triển năng lực ngôn ngữ như khả năng diễn đạt suy nghĩ của bản thân, năng lực thẩm mĩ khi học sinh biết nhìn nhận cái tốt, cái đẹp trong cuộc sống, ở những người xung quanh và chính bản thân…

 

 

 

2.3.1.4. Tổ chức trò chơi tập thể, hoạt động văn nghệ

Một trong những hướng thay đổi cách tổ chức tiết sinh hoạt nhằm tăng tính chủ động của học sinh, nâng cao vai trò tập thể lớp là biến giờ sinh hoạt lớp thành các hoạt động trò chơi tập thể, hoặc hoạt động văn nghệ.

Tổ chức các trò chơi theo chủ đề như: Rung chuông vàng; Đường lên đỉnh Olypia; Ô chữ bí mật; Hái hoa dân chủ

Tổ chức các hoạt động văn nghệ như: thi nhảy dân vũ, thi hát Quốc ca, Đội ca đều, rõ, đúng nhịp điệu… giao lưu văn nghệ theo chủ điểm của Đội TNTP.

Hoạt động này sẽ giúp các em mạnh dạn, tự tin, các em biết tự lên kế hoạch và chuẩn bị chuđáo, biết sáng tạo ra nhiều hình thức sinh hoạt phong phú. Bên cạnh đó thông qua các trò chơi sẽ giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống, tạo sự đoàn kết. Đồng thời phát huy được năng khiếu, sở trường của học sinh.

Trong một tiết sinh hoạt, từng chủ đề được thực hiện để triển khai đầy đủ bốn nội dung trên hoặc lựa chọn các nội dung phù hợp để tổ chức hoạt động.

2.3.2. Đổi mới về phương pháp sinh hoạt

Để tổ chức tiết sinh hoạt lớp hiệu quả, giáo dục được các em những kỹ năng cơ bản giáo viên cần sử dụng nhiều phương pháp đa dạng, phong phú.

2.3.2.1.Phương pháp thảo luận nhóm

Giáo viên sắp xếp, chia nhóm và giao nhiệm vụ cho các nhóm theo nguyện vọng, khả năng của mỗi học sinh. Mục tiêu của phương pháp này nhằm kích thích sự chủ động sáng tạo của học sinh, mọi học sinh đều tham gia hoạt động thông qua đó rèn luyện các kĩ năng sống khác nhau.

Quy trình thực hiện: Giáo viên thông báo yêu cầu, hướng dẫn học sinh chuẩn bị. Cử nhóm trưởng điều hành. Mỗi nhóm còn xác định mục tiêu, hình thức thực hiện, phân công nhiệm vụ, tiến hành hoạt động nhóm. Giáo viên giúp đỡ, định hướng và nhận xét hoạt động.

Về hình thức thực hiện, học sinh được tùy ý sáng tạo, giáo viên chủ nhiệm gợi ý cho học sinh thể hiện bằng các hình thức: Thuyết trình, dựng clip, dàn dựng tình huống…

2.3.2.2.Phương pháp tranh luận

Đây là phương pháp tổ chức cho học sinh thảo luận, tranh luận dưới cách tư cách là cá nhân, hoặc theo nhóm về vấn đề có tính tranh luận cao, nội dung liên quanđến chủ đề sinh hoạt dưới sự điều hành của giáo viên chủ nhiệm.

Mục đích của phương pháp này nhằm rèn luyện các kỹ năng: Tìm kiếm xử lí thông tin, kĩ năng phản hồi lắng nghe tích cực…

Để thực hiện phương pháp này, giáo viên chia các nhóm, mỗi nhóm bốc thăm vấn đề có tính tranh luận cao. Các nhóm tiến hành thảo luận, lần lượt các nhóm trình bày kết quả thảo luận bằng các hình thức sáng tạo của nhóm mình, các nhóm còn lại lắng nghe phát biểu ý kiến bổ sung. Cuối cùng giáo viên chủ nhiệm tổng kết, phát biểu ý kiến.

Ví dụ: Trong buổi sinh hoạt chủ đề “Nhận diện tình bạn đích thực” tôi đã chia lớp thành hai nhóm, thảo luận để phân loại giữa “Tình bạn bông hoa” và “Tình bạn xương rồng”. Đó là cách để các em nhận diện một tình bạn tốt như một bông hoa thơm ngát và không nên kết bạn với những người như cây xương rồng, càng đến gần càng thấy đau.

2.3.2.3. Phương pháp đóng vai, xử lý tình huống

Ở phương pháp này học sinh sẽ đóng vai diễn các tình huống có vấn đề, sau đó các nhóm trao đổi dưới sự hướng dẫn của giáo viên để rút ra những điều cần cho học tập, ứng xử, kinh nghiệm sống.Với phương pháp này sẽ kích thích sự hứng thú và tham gia tích cực của học sinh. Phát triển kỹ năng giao tiếp và diễn đạt bằng ngôn ngữ. Giúp học sinh có kĩ năng hòa nhập với cuộc sống, sống hòa nhập với mọi người qua việc đặt mình vào vị trí của người khác để hiểu họ. Đồng thời tăng sự đoàn kết giữa các thành viên trong lớp.

Giáo viên cần giới thiệu cho học sinh tình huống để các em sẽ đóng vai, trao đổi thảo luận để làm rõ. Phân vai cho học sinh. Học sinh tập luyện vai diễn và biểu diễn trước lớp. Cuối cùng giáo viên tổ chức cho học sinh nhận xét về cách xử lý tình huống của các nhóm, rút ra bài học qua tình huống trên.

Ngoài các phương pháp trên, người giáo viên khi dạy kỹ năng sống cho các emcũng cần lưu ý đan xen các hình thức văn nghệ như hát, múa, nhảy…để tiết dạythêm phong phú, đa dạng. Các tiết mục văn nghệ liên quan đến chủ đề tiết dạythì càng hiệu quả cao. Cách tổ chức lớp học cũng rất cần quan tâm: hình thứcdiễn đàn, hay thảo luận, thuyết trình, báo cáo…dễ dàng tạo một tâm thế cho các em khi tiếp cận các vấn đề.

2.3.3.Đổi mới vai trò cán bộ lớp

Trong giờ sinh hoạt lớp, người hoạt động chủ yếu là học sinh. Các em phải là những chủ nhân thực sự, chiếm lĩnh các hoạt động trong giờ sinh hoạt lớp. Các em không chỉ là diễn viên làm chủ sân khấu mà còn hợp tác với giáo viên trong khâu dựng nên kịch bản giờ sinh hoạt lớp, cũng như làm đạo diễn cho chương trình.

Tuy nhiên, giáo viên cũng không nên phó mặc cho học sinh muốn làm gì thì làm, dẫn đến sự đơn điệu, buồn tẻ, mất tác dụng và hiệu quả của giờ sinh hoạt. Nhưng cũng không nên quá “chuyên quyền”, không cho phép học sinh trình bày ý kiến, hoặc cứng nhắc tập trung vào việc thuyết giảng về đạo đức, thậm chí giờ sinh hoạt nào cũng trách mắng, chỉ trích những sai phạm của học sinh.

Giáo viên chủ nhiệm là người bao quát, định hướng để đảm bảo cho hoạt động của học sinh theođúng hướng và đạt hiệu quả cao trong giờ sinh hoạt. Để các em thấy vai trò của mình, ý thức được trách nhiệm bản thân.

2.3.4. Đổi mới không gian, địa điểm sinh hoạt

Thay đổi không gian, địa điểm sinh hoạt: Thay đổi, sắp xếp lại bàn ghế tạo không gian khác nhau. Trang trí phòng học theo những kiểu khác nhau. Chọn địa điểm sinh hoạt ngoài lớp học như hành lang, sân trường, bãi cỏ, sân bóng...

Đồng thời giáo viên có thể thay đổi chỗ ngồi của học sinh trong sinh hoạt. Học sinh có thể tự chọn chỗ ngồi theo sở thích của học sinh, theo sự phân công của người điều khiển cho phù hợp với hoạt động.

Với hoạt động này sẽ giáo dục các em kỹ năng sáng tạo, làm chủ bản thân,giúp các em định hướng lại các giá trị, thái độ hành động của mình.

3. Kết quả đạt được     

           Sau một năm thực hiện biện pháp “Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh theo chủ đề trong tiết sinh hoạt lớp” tôi đã thu được những kết quả sau:

           Trong các mối quan hệ, các em tỏ ra mạnh dạn hơn khi thể hiện mình, bớt rụt rè, e ngại khi đứng trước đám đông. Các em tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao do nhà trường phát động rất tích cực. Học sinh đoàn kết hơn, gắn bó hơn trong các hoạt động chung của lớp. Do đó tập thể lớp đã thu được nhiều thành tích cao trong năm học 2021-2022 qua các cuộc thi do Liên đội phát độngnhư giải Nhì thi văn nghệ chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, giải Nhất nhảy bao bố nam nữ toàn trường, được khen thưởng về tập thể lớp chămsócbồnhoatốt. Kết quả thi đua năm học học 2021-2022 lớp xếp thứ 2 trong tổng số 15 lớp.

Các em có ý thức tự giác cao trong học tập, ngoan hơn và học tốt hơn. Thể hiện qua xếp loại học lực khá giỏi hạnh kiểm khá tốt năm sau cao hơn năm trước; không có học sinh học lực yếu, hạnh kiểm trung bình.

 

 

 

Lớp

 

 

Nămhọc

 

SL

học sinh

Hạnh kiểm

Học lực

Tốt

Khá

Trung bình

Yếu

Giỏi

Khá

Trung bình

Yếu

SL

%

SL

%

SL

%

SL

%

SL

%

SL

%

SL

%

SL

%

72

(2020-2021)

31

22

70,9

9

29,1

0

0

0

0

2

6,5

8

25,8

21

67,7

0

0

82

(2021-2022)

30

27

90

3

10

0

0

0

0

6

20,0

14

46,7

10

33,3

0

0

Với kết quả này, bản thân tôi nhận thấy biện pháp “Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh theo chủ đề trong tiết sinh hoạt lớp” thiết thực và rất hiệu quả.Tôi sẽ tiếp tục duy trì, áp dụng và giúp đỡ các em cho đến hết năm học, tôi tin rằng kết quả năm học 2022-2023 sẽ đạt được như mong muốn.

Để có được những thành công trên, bản thân tôi luôn nhận được sự giúp đỡ và phối hợp nhiệt tình của Ban giám hiệu nhà trường, các đồng nghiệp;cùng với sự nỗ lực, cố gắng không ngừng của các em học sinh và sự quan tâm, hỗ trợ của các bậc phụ huynh trong công tác chủ nhiệm lớp.

[Trang chủ]
Thông báo
Banner - Thư viện ảnh
Banner - Thư viện video
Banner - Tài nguyên
Banner - Bộ giáo dục và đào tạo
Banner - Sở Giáo dục & Đào tạo Quảng Bình
Banner - Cổng thông tin điện tử Quảng Bình
Liên kết website
Footer

 PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THỊ XÃ BA ĐỒN

Địa chỉ: 118 Hùng Vương, phường Ba Đồn, TX Ba Đồn

Email: pgd_badon@quangbinh.edu.vn - Số điện thoại: 0523.512886/DĐ: 0912414522