Banner top
Menu portal
Giới thiệu
Hiển thị thể loại
Banner tin tức - sự kiện
Kế hoạch
Thi đua - Khen thưởng
Tổ chức đoàn thể
Chuyên môn
Công khai thông tin
Banner - Thông tin pháp luật
Banner - Thủ tục hành chính
Hiển thị nội dung bài viết

Giáo dục đạo đức học sinh thông qua những câu chuyện kể

28/03/2023
03:58:00
242

I. Tên biện pháp: “Giáo dục đạo đức học sinh thông qua những câu chuyện kể”    

II. Nội dung biện pháp

1. Lý do chọn biện pháp

Đạo đức là một từ Hán Việt, được dùng từ xa xưa để chỉ một thành tố trong tính cách và giá trị của một con người. “Đạo” là con đường, “Đức” là tính tốt hoặc những công trạng tạo nên. Khi nói một người có đạo đức là ý nói người đó có sự rèn luyện thực hành các lời răn dạy về đạo đức, sống chuẩn mực và có nét đẹp trong đời sống và tâm hồn.

Việc giáo dục đạo đức cho học sinh trong nhà trường THCS hiện nay đang là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược vô cùng quan trọng, là vấn đề được toàn xã hội quan tâm. Bởi đây là giai đoạn hình thành nhân cách rõ nhất ở một con người. Nhà trường giáo dục đạo đức cho học sinh bằng nhiều phương pháp khác nhau và đa số đều tập trung tác động trực tiếp vào nhận thức của các em. Nhưng trên thực tế là học sinh ở lứa tuổi THCS tâm sinh lý có nhiều thay đổi thì việc tác động trực tiếp vào nhận thức chưa hoàn toàn đem lại hiệu quả.

Với trách nhiệm là một giáo viên chủ nhiệm, bản thân tôi rất quan tâm đến vấn đề giáo dục đạo đức cho học sinh. Qua 1 thời gian quan sát và tìm hiểu tôi thấy ở lớp tôi ngoài những em có biểu hiện đạo đức tốt vẫn còn một số em có những biểu hiện chưa ngoan, tôi đã áp dụng nhiều biện pháp khác nhau để giáo dục các em như: phê bình, liên lạc với phụ huynh hay đưa ra các hình phạt khác nhau… Nhưng qua một thời gian tôi thấy các biện pháp đó không đem lại hiệu quả như mong muốn. Tôi đã trăn trở, suy nghĩ cần tìm ra biện pháp nào là hiệu quả nhất?

Tôi nhớ lại những lần tôi đọc những câu chuyện hay xem các đoạn phim cảm động. Chính những câu chuyện hay đoạn phim đó đã tác động vào trái tim tôi, làm cho tôi phải suy nghĩ, tôi cảm thấy yêu đời, cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn. Từ việc cảm nhận ý nghĩa của câu chuyện tôi nhận ra giáo dục đạo đức cho học sinh bằng cách tác động vào tình cảm, vào tâm hồn đứa trẻ sẽ có hiệu quả và lâu dài hơn so với các hình thức trách phạt. Do đó tôi chọn con đường đi từ tình cảm, tác động vào tâm hồn để từ đó giúp học sinh thay đổi nhận thức. Bởi tôi biết: những gì xuất phát từ trái tim sẽ chạm đến trái tim.

Vì vậy tôi chọn biện pháp: “Giáo dục đạo đức học sinh thông qua những câu chuyện kể”. Để từ các hình tượng nghệ thuật của câu chuyện, từ những suy nghĩ, hành động của nhân vật trong câu chuyện sẽ góp phần vào sự hình thành nhân cách của học sinh giúp các em ngày càng hoàn thiện mình hơn.

 Việc nghiên cứu và áp dụng biện pháp này đã mang lại những hiệu quả nhất định trong công tác chủ nhiệm của tôi cũng như giúp đỡ được nhiều em trong học tập.

2. Mục đích của biện pháp

      Thay đổi cách tư duy giúp các em học sinh chưa ngoan nhận rõ những lỗi lầm của mình, rút ra được những bài học từ các câu chuyện để điều chỉnh hành vi đạo đức của mình thật đúng đắn, thấu hiểu được tình cảm yêu thương, sự quan tâm, sự vất vả của giáo viên chủ nhiệm. Từ đó cảm hóa các em về tâm hồn.

Áp dụng biện pháp này tôi cũng mong muốn bản thân mình có thể góp thêm phần hình thành, uốn nắn về nhân cách, đạo đức để các em trở thành những con người có ích cho gia đình và xã hội. Làm được điều đó cũng chính là tạo ra những nhân tài có cả đức lẫn trí trong một xã hội văn minh, phát triển.

 Biện pháp của tôi chủ yếu hướng đến cách giáo dục thông qua những câu chuyện kể. Mục đích lớn nhất đó chính tác động vào tình cảm, vào tâm hồn làm thay đổi nhận thức để mang đến những giá trị thực sự cho các em.

3. Quá trình thực hiện biện pháp

3.1.Tìm hiểu về học sinh lớp chủ nhiệm

Để làm tốt công tác chủ nhiệm lớp, trước hết, giáo viên chủ nhiệm phải nắm vững tâm sinh lí, nhu cầu, nguyện vọng, nắm vững hoàn cảnh sống, những tác động của gia đình, mối quan hệ xã hội, bạn bè của học sinh, các chi tiết cần thiết khác như học lực, hạnh kiểm. Cụ thể như sau:

  • Tìm hiểu thông tin về học sinh qua phần giới thiệu bản thân của học sinh.

 

 

GIỚI THIỆU BẢN THÂN

    1. Họ và tên:…………………………………Nghề nghiệp:…....……..……....

    2. Họ và tên bố (mẹ):………………………… Nghề nghiệp:…....……..……....

    3. Hoàn cảnh gia đình:………………………………………....……..………

    4. Kết quả học tập năm học trước: (Giỏi, Tiên tiến, Trung bình).....................

    5. Môn học yêu thích:.......................................................................................

    6. Môn học cảm thấy khó:.................................................................................

    7. Em có mong muốn gì:..................................................................................

    8. Sở thích:........................................................................................................

    9. Địa chỉ gia đình: ...........................................................................................

  10. Số điện thoại của gia đình:............................................................................

      

Qua phiếu điều tra này, tôi nắm được đầy đủ các thông tin cần thiết về từng học sinh, nắm cụ thể đặc điểm tâm sinh lý từng em và tôi đã hiểu một phần về hoàn cảnh học sinh của mình. Vì hoàn cảnh cũng có tác động không nhỏ đến việc hình thành nhân cách của học sinh.

-Tìm hiểu thông qua hồ sơ học sinh: Xem học bạ, sơ yếu lí lịch, bản tự nhận xét của học sinh, nhận xét của giáo viên chủ nhiệm cũ. Đây là tài liệu đáng tin cậy ban đầu giúp tôi nhận biết được đặc điểm của từng em.

- Tìm hiểu qua quan sát và nói chuyện với học sinh, GVBM và phụ huynh để phát hiện ra những học sinh chưa ngoan về đạo đức.

Qua thời gian quan sát và tìm hiểu trong học kỳ 1 năm học 2020-2021 tôi thấy ở lớp tôi ngoài những em có biểu hiện đạo đức tốt vẫn còn một số em có những biểu hiện như:

     + Hay nói dối, thiếu trung thực: từ việc một số phụ huynh nhắn tin, gọi điện hỏi cô lớp chiều nay nghỉ học mấy giờ thì tôi biết được một số em đã nói dối mẹ lịch học phụ đạo để đi chơi; hay khi tôi gọi điện cho phụ huynh để trao đổi về việc học bài cũ và làm bài tập của một số bạn thì bố mẹ phản ánh lại các con bảo cô không giao bài về nhà nên không chịu học…

    + Hoàn cảnh khó khăn nhưng đua đòi, lãng phí: lớp tôi có 38 học sinh nhưng có đến 15 em khá hoàn cảnh, trong đó có 10 em dù hoàn cảnh gia đình không mấy khá giả nhưng các em về khóc đòi mẹ mua điện thoại. Nếu mẹ không mua thì không chịu đi học. Một số bạn nữ đòi mua mĩ phẩm, áo quần theo các mốt. Một vài em lại muốn mỗi buổi sáng có tiền để đi ăn sáng và ăn hàng với các bạn…

    + Một số em còn vô lễ với cha mẹ, chưa biết thương yêu cha mẹ: qua những lần phụ huynh tâm sự tôi biết được khi bố mẹ nói chuyện các em không chịu nghe mà còn cãi lại, có lúc cố tình làm trái ý với lời bố mẹ dặn…

*Kết quả tìm hiểu năm học 2020-2021 học kỳ 1 lớp 6C khi chưa thực hiện:

STT

Nội dung

Số HS

HKI

Số lượng HS

Tỷ lệ %

1

Hay nói dối, thiếu trung thực

38

9

23,7

2

Hoàn cảnh khó khăn nhưng đua đòi, lãng phí

10

26,3

3

Vô lễ với cha mẹ, chưa biết thương yêu cha mẹ

7

18,4

 Tập thể lớp cuối HKI: lớp tiên tiến xếp thứ 10 trên 12 lớp

3.2. Xây dựng kế hoạch

3.2.1.Tìm hiểu đặc điểm, hứng thú, sở thích của học sinh

Đối với học sinh, các em thường có tâm lý không thích giáo viên chủ nhiệm nói nhiều, không thích bị phê bình. Lúc đó, giữa GVCN và học sinh sẽ không có sự cảm thông, thấu hiểu lẫn nhau. Những lời nói của giáo viên sẽ khó chạm đến trái tim của các em, khiến các em trở nên chai lỳ, không hợp tác. Qua tìm hiểu thực tế từ việc quan sát, nói chuyện với các em và những tiết dự giờ đồng nghiệp, tôi nhận thấy học sinh thích nói chuyện nhẹ nhàng, thích nghe những câu chuyện để từ đó các em rút ra được bài học ý nghĩa trong cuộc sống. Hiểu được ý nghĩa đó, tôi lên kế hoạch lồng ghép những câu chuyện vào 15 phút đầu giờ và tiết sinh hoạt cuối tuần.

3.2.2 Chọn chủ đề:

- Giáo dục học sinh về tính kỷ luật đối với bản thân và tập thể.

- Giáo dục tình yêu thương, tôn trọng bạn bè.

- Giáo dục lòng biết ơn đối với cha mẹ, thầy cô, biết quý trọng tình cảm gia đình.

- Giáo dục đức tính trung thực.

- Giáo dục niềm tin yêu trong cuộc sống.

- Giáo dục học sinh biết vượt lên khó khăn để chiến thắng hoàn cảnh.

- Giáo dục tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào về truyền thống của dân tộc.

- Giáo dục đức tính khiêm tốn...

3.2.3 Sưu tầm những câu chuyện:

Tôi tiến hành sưu tầm và chọn lọc những câu chuyện ngắn mang tính giáo dục phù hợp với chủ đề và đặc điểm của học sinh lớp mình. Những câu chuyện này có thể là những bài văn hay được đăng tải trên báo hay trong những cuốn sách, những câu chuyện người thực việc thực trong mục “chuyện đời tự kể”, những câu chuyện rất ngắn trong mục “cửa sổ tâm hồn” hay “những  câu chuyện đã được chuyển thể thành phim” như quà tặng cuộc sống, khoảnh khắc kỳ diệu...

3.2.4 Thời gian áp dụng: từ học kỳ II năm học 2020-2021

3.2.5 Theo dõi sự chuyển biến của học sinh sau mỗi câu chuyện:

- Theo dõi học sinh qua cử chỉ, hành động, lời nói, cách ứng xử của các em đối với bố mẹ, thầy cô và các bạn.

- Theo dõi sự biến chuyển của các em về mặt đạo đức.

3.3. Thông qua kế hoạch

Sau khi xây dựng kế hoạch, tôi đã trình bày ý tưởng của mình trước Ban giám hiệu và xin ý kiến chỉ đạo. Nhận được sự đồng tình, nhất trí cao của lãnh đạo tôi tiến hành thực hiện biện pháp.

3.4. Thực hiện kế hoạch:

3.4.1. Thực hiện trong tiết sinh hoạt

Vào15 phút đầu giờ ngày thứ 6 hàng tuần theo lịch của đội lớp tôi sẽ tiến hành đọc sách, hay vào những tiết sinh hoạt cuối tuần ngoài phần nhận xét tình hình của lớp tuần qua và phương hướng của tuần tới, tôi thường lồng ghép những câu chuyện hoặc kể về các tấm gương sáng, cho học sinh xem những đoạn phim cảm động.

Để việc giáo dục ý thức, tác động vào tình cảm, suy nghĩ của các em được hiệu quả thì giáo viên chủ nhiệm có thể đưa ra những câu hỏi hoặc tình huống liên quan đến câu chuyện sẽ được kể cho học sinh trả lời.

Khi kể chuyện tôi nhìn sâu vào mắt học sinh, giọng chậm rãi, đồng thời hướng ánh mắt đến những em đó để quan sát xem phản ứng các em như thế nào. Sau mỗi câu chuyện cho các em đó rút ra ý nghĩa của câu chuyện, cho các em nói lên quan điểm, suy nghĩ của bản thân và liên hệ đến thực tế của mình.

Các câu chuyện tôi đưa ra phải tùy vào từng từng tình huống, từng biểu hiện đạo đức của học sinh. Một số ví dụ như sau:

* GVCN kể cho học sinh nghe:

Trong lớp tôi chủ nhiệm, có một số em còn chưa nhận ra được giá trị của niềm tin, của sự trung thực. Vì vậy, tôi đã mượn câu chuyện về một cô gái để giáo dục các em về ý nghĩa của niềm tin, sự trung thực.

Câu chuyện: Cô gái trốn vé tàu ( câu chuyện được tóm tắt như sau)

Câu chuyện kể về một cô gái du học ở Pháp, cô lợi dụng lổ hổng của luật pháp để trốn vé nhiều lần và cô nghĩ rằng sẽ không ai phát hiện ra điều đó. Cho đến khi cô cầm tầm bằng tốt nghiệp loại giỏi của một trường đại học danh giá tràn đầy tự tin đến những công ty lớn xin việc. Nhưng những công ty này không hiểu vì lí do gì, lúc đầu còn rất nhiệt tình nhưng về sau đều từ chối cô. Khi tìm hiểu ra nguyên nhân cô đã rất bất ngờ, họ kiểm tra thẻ tín dụng của cô và biết được cô đã nhiều lần trốn vé, họ cho rằng cô là người không coi trọng quy tắc và cô không xứng đáng được tin tưởng. Đến lúc này cô mới tỉnh ngộ và cảm thấy hối hận vô cùng.

       Từ câu chuyên trên tôi đặt ra câu hỏi: Câu chuyện trên cho em suy nghĩ gì ?

- Học sinh: Trả lời

- Giáo viên kết luận:

=> Câu chuyện trên cho ta thấy rằng: Đạo đức thì có thể bù đắp cho sự thiếu hụt về trí tuệ nhưng trí tuệ thì không thể bù đắp cho sự thiếu hụt về đạo đức được.

 Vì đạo đức là nhân cách của một con người, một người dù ưu tú đến đâu mà nhân cách có vấn đề cũng sẽ mất đi niềm tin, ủng hộ và sự tôn trọng từ người khác. Do đó các em cần phải rèn luyện đạo đức thật tốt để được mọi người tin yêu và quý trọng.

* GVCN cho học sinh xem các hình ảnh từ câu chuyện

Một số em trong lớp tôi vẫn còn đua đòi, lãng phí, chưa biết quý trọng công sức của cha mẹ. Tôi cho các em xem những hình ảnh về cuộc sống từ đời thường của Bác. Và sau khi xem xong tôi đặt câu hỏi:

Câu 1: Em có suy nghĩ gì khi xem những bức ảnh tái hiện lại cuộc sống của Bác?

Câu 2:Em học tập điều gì về tấm gương của người?

- Học sinh: Trả lời

- Giáo viên kết luận:

=> Rõ ràng chúng ta thấy ở Bác có rất nhiều phẩm chất đạo đức cần thiết và quan trọng mà không phải ai cũng có. Mặc dù là vị lãnh tụ vĩ đại nhưng Bác vẫn sống rất dản dị và thanh bạch đó là điều mà mọi người cần phải noi gương Bác. Nếu các em học tập được ở Bác đức tính giản dị thì mình sẽ trở thành con người hòa đồng, thân thiện, được mọi người quý mến.

* GVCN cho học sinh xem đoạn phim

Bên cạnh đó, qua phản ánh của các bậc phụ huynh, tôi biết được một vài em trong lớp còn vô lễ với cha mẹ, chưa biết yêu thương cha mẹ. Vì vậy tôi lại tìm những câu chuyện giáo dục về tình cảm gia đình để nhắn gửi các em.

Câu chuyện : Bông hồng tặng mẹ (đã được chuyển thể thành phim)

Khi xem câu chuyện tôi quan sát ở các em có nhiều em mắt đã ngấn lệ. Thì tôi đã thấy được một sự thay đổi lớn ở các em. Cho nên tôi đã để một khoảng lặng cho các em. Mục đích của tôi là để cho các em tự suy ngẫm.

 Một thời gian sau câu chuyện hôm đó tôi liên lạc với phụ huynh của một số em để hỏi tình hình các em thời gian qua như thế nào: qua nghe mẹ nói lại thì tôi đã thấy được sự thay đổi ở các em, các em đã tự giác học mà không cần mẹ nhắc nhở nhiều, đã biết ôm mẹ khi thấy mẹ vất vả, biết quan tâm mẹ khi thấy mẹ ốm đau. Chị phụ huynh còn kể với tôi rằng:“ cu chị về kể cho chị trong giờ sinh hoạt cô giáo chủ nhiệm có kể câu chuyện mà con rất thích mẹ à! Con cảm thấy thương em bé trong câu chuyện và hối hận vì trước đây con đã có lỗi với mẹ, con hứa con sẽ thay đổi để tốt hơn”.

Từ những câu chuyện, tôi bắt đầu cảm nhận được sự thay đổi của các em. Nếu chỉ dừng lại ở việc GVCN kể cho học sinh nghe lâu sẽ nhàm chán, nên tôi hướng cho các em tìm hiểu các câu chuyện để đọc cho nhau nghe hoặc đóng kịch để các em tự thể hiện sự hiểu biết của mình. Vì vậy tôi có thêm một biện pháp đó chính là xây dựng văn hóa đọc trong lớp mình.

3.4.2. Thực hiện thông qua xây dựng văn hóa đọc tại lớp.

      Trước hết, tôi đã cùng các em xây dựng tủ sách trong lớp, tủ sách ở thư viện xanh của lớp mình. Mỗi học sinh trong lớp đều đặt mua một số loại sách như sách văn học nghệ thuật, toán học tuổi trẻ, sách về đạo đức, kỹ năng sống. Các em trao đổi cho nhau những cuốn sách hay đã đặt mua để đọc.  Những câu chuyện trong cuốn sách đã được đem ra để thảo luận trong tập thể.

Tôi nhận thấy học sinh đọc ngày càng hứng thú. Trong vòng 2 năm, các em đã thảo luận về những câu chuyện trong những cuốn sách như “Hạt giống tâm hồn”, “Sống đẹp”, “Nối dài vòng tay yêu thương”, “Truyện cổ tích Việt Nam”…Mỗi cuốn sách đã chinh phục khối óc và trái tim của các em. Các em cũng có thể chia sẻ ý nghĩa và cảm xúc của mình với ông bà, bố mẹ, bạn bè, thầy cô để tự giáo dục đạo đức, kỹ năng sống. Ngay từ đầu năm khi nhà trường phát động cuộc thi kể chuyện theo sách với chủ đề “Những trang sách yêu thương”, cùng với sự hướng dẫn của GVCN, nhiều em trong lớp tôi đã có sự tìm tòi và say mê hưởng ứng cuộc thi. Tôi đã vô cùng thích thú khi biết các em trong lớp mình đã thể hiện được sự hiểu biết của mình một cách sâu sắc về câu chuyện mình kể. Các em rút ra được bài học ý nghĩa, bài học giáo dục từ câu chuyện. Các em còn tự nói lên tiếng lòng của bản thân về những nhân vật trong câu chuyện bằng tất cả sự ngưỡng mộ và kính trọng. Các em đã thực sự say mê đọc sách, đã biết sống có tâm hồn và có nhu cầu tìm hiểu kiến thức, kỹ năng sống, có nhu cầu ứng dụng kiến thức trong sách thành kỹ năng sống có văn hóa ở trường, gia đình và ngoài xã hội. Tôi nghĩ rằng, đó chính là một thành công lớn trong xây dựng văn hóa tự đọc trong lớp mình. Ý nghĩa của việc xây dựng văn hóa đọc trong học sinh đã thực sự lan tỏa. Tôi nhận thấy, nhiều em đã có sự nỗ lực vượt bậc trong học tập cũng như rèn luyện đạo đức. Những thành tích đó chứng minh rằng đọc và làm theo sách đã gợi ra những ý tưởng sáng tạo cho cả cô và trò trong năm học vừa qua.

III. Kết quả đạt được

Tôi đã thực hiện biện pháp giáo dục đạo đức thông qua các câu chuyện kể trong lớp chủ nhiệm của mình từ học kỳ II năm 2020-2021cho đến nay đã đem lại những kết quả khả quan: các em đã thay đổi nhận thức, các em đã tự nhận thấy các sai sót, khiếm khuyết của bản thân để kịp thời điều chỉnh.

Một số em đã thay đổi về ý thức, thay đổi về cách đánh giá các bạn, các em đã có ý chí, quyết tâm hơn khi gặp khó khăn. Các em biết chia sẻ nhiều hơn với GVCN và bạn bè, hiểu về những vất vả trong công việc và cuộc sống, biết lo lắng, biết hỏi thăm khi thầy cô ốm đau, biết thương công lao của mẹ cha... Các em tìm đến GVCN như một người mẹ, người bạn với niềm tin tuyệt đối để chia sẻ mỗi khi gặp khó khăn. Trong nhiều cuộc thi, các em luôn nhiệt tình tham gia mà không hề có sự mặc cảm, tự ti. Các em đã biết sống có tâm hồn.

* Kết quả khi đã áp dụng biện pháp:

STT

Nội dung

Số HS

HKII LỚP 6

LỚP 7

Số lượng HS

Tỷ lệ %

Số lượng HS

Tỷ lệ %

1

Hay nói dối, thiếu trung thực

38

5

13,2

2

5,3

2

Hoàn cảnh khó khăn nhưng đua đòi, lãng phí

5

13,2

3

7,9

3

Vô lễ với cha mẹ, chưa biết thương yêu cha mẹ

4

10,5

2

5,3

Thành tích của tập thể lớp:

- Cuối HKII năm học 2020-2021: lớp tiên tiến xếp thứ 7 trên 12 lớp

- Cuối HKII năm học 2021-2022: lớp xuất sắc

Và tôi đang tiếp tục áp dụng biện pháp này trong năm học 2022-2023 đối với lớp tôi chủ nhiệm.

Có thể nói rằng, việc giáo dục đạo đức học sinh không thể giáo dục một cách rập khuôn, máy móc mà tùy theo những hoàn cảnh cụ thể để tác động đúng cách, phù hợp với từng tình huống, từng lứa tuổi. Đặc biệt là phải hiểu rõ tâm sinh lý của từng em học sinh. Tôi nghĩ rằng: trong công tác giáo dục đạo đức không chỉ dùng một biện pháp mà cần phối hợp nhiều biện pháp mới có hiệu quả. Trong quá trình giáo dục nếu không có tình yêu trọn vẹn thì không thể thành công được. Tôi rất tâm đắc với 4 câu thơ của Giáo sư Hoàng Chí Bảo đã đọc trong cuộc nói chuyện với các nhà giáo:

Nửa cốc nước cũng làm vơi cơn khát

Nửa vầng trăng cũng đủ mộng mơ

Nửa sự thật không là sự thật

Và tình yêu không một nữa bao giờ.

Biện pháp không thể tránh khỏi những thiếu sót mong quý thầy cô, các bạn đồng nghiệp cùng đóng góp bổ sung ý kiến để biện pháp này được hoàn chỉnh hơn và có thể áp dụng được ở tất cả các trường.

Xin chân thành cảm ơn!

[Trang chủ]
Thông báo
Banner - Thư viện ảnh
Banner - Thư viện video
Banner - Tài nguyên
Banner - Bộ giáo dục và đào tạo
Banner - Sở Giáo dục & Đào tạo Quảng Bình
Banner - Cổng thông tin điện tử Quảng Bình
Liên kết website
Footer

 PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THỊ XÃ BA ĐỒN

Địa chỉ: 118 Hùng Vương, phường Ba Đồn, TX Ba Đồn

Email: pgd_badon@quangbinh.edu.vn - Số điện thoại: 0523.512886/DĐ: 0912414522